Đưa hình ảnh, clip người vi phạm lên mạng là trái luật

Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; các ngành, các cấp phải dốc toàn lực để phòng chống dịch; nhiều cơ quan, cán bộ phải túc trực, tuần tra ngày đêm để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện giãn cách xã hội.

Những clip gây “bão” khiến nạn nhân “nổi tiếng”

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi công vụ, nhiều hình ảnh, clip do người thực thi công vụ ghi lại đã bị phát tán lên mạng xã hội (MXH), gây ảnh hưởng không nhỏ đến người trong cuộc, nhất là người vi phạm phòng chống dịch được ghi trong clip.

Chẳng hạn như vụ một cô gái ăn mặc “thiếu vải”, không mang khẩu trang ngồi trước cổng hóng gió trong đêm bị phát hiện và nhắc nhở. Hay như hai bạn trẻ ở Long An khóc lóc, van xin cán bộ thông chốt để kịp “cấp cứu con mèo đang nguy kịch” nằm trên tay.

Câu chuyện “chiếc bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu” gây “bão”
suốt tuần qua. (Ảnh cắt từ clip)

Và nổi đình nổi đám nhất là clip về anh công nhân ở Khánh Hòa bị cán bộ giữ giấy tờ xe vì cho rằng anh đi mua bánh mì trong khi bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu…

Những trường hợp trên đều được quay lại và không biết vì sao sau đó đã bị tung lên MXH, khiến cả làng cả nước đều biết rõ về người vi phạm. Một trong những người xuất hiện trong video đã phải lên tiếng than van vì họ đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích thậm tệ từ dư luận.

Trong những tình huống này, những nạn nhân nói trên nếu có tâm lý vững vàng thì sẽ nguôi ngoai. Tuy nhiên, nếu là người nhạy cảm, dễ bị tổn thương, có khả năng họ sẽ bị sang chấn tâm lý, thậm chí có thể dẫn đến suy nghĩ, hành động tiêu cực khó lường.

Quyền nhân thân được pháp luật bảo hộ

“Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc tự ý sử dụng hình ảnh của người khác đưa lên MXH khi chưa được sự đồng ý, cho phép của người đó là vi phạm quyền nhân thân của cá nhân” – PGS-TS Lê Minh Hùng (Trưởng bộ môn Luật dân sự, Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận định.

Theo PGS-TS Minh Hùng, trường hợp cần sử dụng, công bố công khai hình ảnh của cá nhân nhằm mục đích giáo dục, răn đe, cảnh báo, bảo vệ trật tự công cộng, phòng ngừa việc gây ra các tội phạm nguy hiểm cho xã hội chỉ được thực hiện khi có căn cứ và phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn do hiến pháp và các đạo luật liên quan quy định.

Việc đưa hình ảnh của người khác trái với ý muốn của cá nhân, không được cá nhân (người có quyền quyết định thay trong trường hợp cá nhân chết, cá nhân là người chưa thành niên…) được coi là hành vi trái pháp luật, vi hiến, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền nhân thân của cá nhân.

Theo đó, quyền con người được hiến pháp, BLDS và các đạo luật liên quan thừa nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.

Theo Hiến pháp năm 2013, quyền bất khả xâm phạm về danh dự, uy tín (khoản 1 Điều 20), về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình (khoản 1 Điều 21). Điều 34 BLDS năm 2015 nêu rõ cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Khoản 1, 2 Điều 38 BLDS năm 2015 nêu rõ cá nhân có quyền về đời sống riêng tưBí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Ngoài ra, một nguyên tắc quan trọng được khẳng định rõ trong BLDS đó là: “Ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật được nêu rõ tại khoản 1 Điều 2. Khoản 2 Điều 2 quy định: Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” – PGS-TS Lê Minh Hùng nói.

Như vậy, những cá nhân, tổ chức tự ý đưa những hình ảnh, clip như đã nói trên lên MXH rõ ràng là vi phạm pháp luật. Nếu việc phát tán này do người thừa hành công vụ thực hiện thì càng đáng trách vì đó là hành vi trái pháp luật.

Nguồn: https://plo.vn/phap-luat/dua-hinh-anh-clip-nguoi-vi-pham-len-mang-la-trai-luat-1002552.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *