Nghề luật sư đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu (1884), những luật sư hành nghề đầu tiên là người có quốc tịch Pháp hoạt động ở Nam kỳ – vùng lãnh thổ thuộc Pháp. Với Sắc lệnh ngày 30/1/1911, nhà cầm quyền Pháp đã mở rộng cho người Việt Nam không có quốc tịch Pháp được làm luật sư. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề luật sư Việt Nam đã sản sinh ra nhiều thế hệ luật sư không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có nhiều đóng góp cho cách mạng nhằm giải phóng cho dân tộc
Để tôn vinh những luật sư có nhiều cống hiến cho đất nước, VPLS Trương Anh Tú sẽ giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết về những luật sư như tiêu biểu trong suốt chiều dài hơn 100 năm của nghề luật. Kỳ đầu tiên là bài viết ” Trăm năm nghề luật”.
Nghề luật sư nước ta Thời kỳ thuộc Pháp:
Năm 1858, Rigault De Genouilly bắn phá vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu thời kỳ xâm lăng của thực dân Pháp trên đất nước ta. Sau khi xâm lược Nam kỳ, ngày 26 tháng 11 năm 1876, toàn quyền Pháp ban hành Nghị định về việc biện hộ tại toà án cho người Pháp hoặc người Việt mang quốc tịch Pháp. Sau khi thiết lập bộ máy cai trị ở nước ta và toàn cõi Đông dương, thực dân Pháp chia ra 5 xứ để cai trị: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao, Cao miên. Toàn quyền Pháp ký Sắc lệnh thành lập Đoàn luật sư Sài Gòn và Hà Nội, gồm các luật sư đã tốt nghiệp trường Luật ở Pháp có quốc tịch Pháp. Tiếp đến sắc lệnh ngày 30 tháng 01 năm 1911, nhà cầm quyền Pháp đã mở rộng nghề luật sư không hạn chế chỉ người Pháp và người Việt mang quốc tịch Pháp, mà còn có cả người Việt mang quốc tịch Việt.
Ngày 25 tháng 5 năm 1930, toàn quyền Pháp ký Sắc lệnh tổ chức Luật sư đoàn ở Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẳng. Sắc lệnh này lại mở rộng thêm cho các luật sư không chỉ biện hộ cho thân chủ có quốc tịch Pháp mà cho cả thân chủ không phải là quốc tịch Pháp; không chỉ biện hộ ở tòa án Pháp mà cả toà Nam án. Người Việt Nam đầu tiên làm luật sư là ông Phan Văn Trường, tốt nghiệp trường Đại học Luật ở Pháp và làm luật sư tại Paris .
Phong trào Mặt trận Bình dân ở Pháp (1936 -1939) đã đấu tranh bảo vệ quyền dân chủ ở Pháp, lan rộng ra các nước thuộc địa của Pháp, sau đó mới có luật sư Việt Nam.
Thời kỳ độc lập sau năm 1945:
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời; Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ liên hiệp. Ngày 10 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức các Đoàn luật sư trong nước. Điều thứ 1 của Sắc lệnh ghi nhận: “Các tổ chức các đoàn thể luật sư trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn tạm giữ như cũ.. Sắc lệnh ngày 25 tháng 5 năm 1930 quy định những tổ chức ấy vẫn tạm thi hành với các điều sửa đổi sau này”. Những điều sửa đổi bao gồm: điều 5 (Sắc lệnh 25/5/1930) thay bằng điều 3 (Sắc lệnh 46/SL) với những quy định chặt chẽ để được liệt danh vào bảng luật sư tại Tòa Thượng thẩm Hà Nội hay Sài Gòn, đó là: có quốc tịch Việt Nam, không phân biệt nam, nữ; có bằng cử nhân luật; đã làm tập sự trong ba năm (kể từ ngày tuyên thệ) ở một Văn phòng luật sư thực thụ trong nước; có hạnh kiểm tốt; được bằng chứng nhận đã hết hạn tập sự và đủ tư cách làm luật sư thực thụ. Điều 4 của Sắc lệnh quy định về bầu Hội đồng luật sư, hoặc Ban luật sư thực thụ tùy theo địa hạt có mười văn phòng trở lên hay dưới mười văn phòng. Điều 5 của Sắc lệnh quy định những luật sư đã tập sự được mười tám tháng thì Hội đồng luật sư có thể cho phép tạm quản lý một văn phòng.
Có thể nói, Sắc lệnh số 46/SL là sắc lệnh đầu tiên về luật sư của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Cách mạng lâm thời và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chế định luật sư ở nước ta. Tuy nhiên, việc hành nghề luật sư theo Sắc lệnh số 46/SL chỉ hạn chế ở Tòa Thượng thẩm Sài Gòn và Hà Nội. Sắc lệnh số 163/SL ngày 23 tháng 2 năm 1946 về tổ chức các Tòa án binh cũng có quy định cho bị cáo có quyền nhờ luật sư bào chữa. Tiếp đến, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội thông qua ngày 9 tháng 11 năm 1946, điều 67 ghi nhận: ”Các phiên tòa đều xét xử công khai, trừ trường hợp đặc biệt, người bị cáo có quyền bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”. Nhưng hơn một tháng sau, ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ và kéo dài, hòa trong khí thế sôi sục của các tầng lớp dân cư khắp các miền Bắc, Trung, Nam cầm vũ khí chống giặc Pháp xâm lược, nhiều luật sư đã tham gia kháng chiến. Vì vậy, vai trò, vị trí của người luật sư Việt Nam không được thể hiện rõ nét trong giai đoạn này.
Đến năm 1949, để khôi phục lại tình trạng thiếu luật sư, Sắc lệnh số 69/SL ngày 18 tháng 6 năm 1949 được ban hành, quy định chế định bào chữa viên cho các bị cáo tại tòa án. Điều 1 của Sắc lệnh ghi rõ: “Từ nay đến khi nào có thể lệ khác, trước các tòa án thường và tòa án đặc biệt xử việc tiểu hình và đại hình, trừ tòa án binh tại mặt trận, bị can có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bào chữa cho. Công dân do bị can đã tự chọn để bênh vực mình phải được ông Chánh án thừa nhận”. Cũng từ Sắc lệnh này, để mở rộng thêm quyền bào chữa, Điều 2 quy định: “Nếu bị can không có ai bênh vực, ông Chánh án có thể, tự mình hay theo lời yêu cầu của bị can, cử một người ra bào chữa cho bị can”. Ngày 22 tháng 12 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếp Sắc lệnh số 144/SL mở rộng cho người không phải là luật sư cũng được bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong các vụ án dân sự. Điều 1 Sắc lệnh số 144/SL sửa lại Điều 1 của Sắc lệnh số 69/SL như sau: “Từ nay, trước tòa án việc xử hộ và thương mại, trước các tòa án thường và tòa án đặc biệt xử việc tiểu hình, đại hình, trừ tòa án binh tại mặt trận, nguyên cáo, bị cáo và bị can có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bênh vực cho mình. Công dân đó phải được ông Chánh án thừa nhận”.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam bị chia cắt hai miền với hai chế độ khác nhau: miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam còn trong vòng kiềm tỏa của đế quốc Mỹ. Ở miền Bắc, ngày 31 tháng 12 năm 1958, Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hiến pháp thứ hai), trong đó điều 101 quy định: “Việc xét xử tại các Tòa án nhân dân đều công khai, trừ trường hợp đặc biệt do luật định. Quyền bào chữa của bị cáo được đảm bảo”.
Ở miền Nam, trường Đại học Luật khoa Huế, Đà Lạt, Sài Gòn đào tạo nhiều cử nhân Luật, một số sinh viên tốt nghiệp cử nhân Luật được đào tạo để trở thành Luật sư và đã hành nghề. Trong các tòa Vi cảnh, tòa Sơ thẩm, tòa Đại hình, tòa Thượng thẩm đều có công tố viện và có luật sư tranh luận, bào chữa bảo vệ thân chủ. Luật sư có quyền tham gia trong giai đoạn điều tra, giai đoạn tranh tụng trước tòa.
Chẳng hạn, trong giai đoạn điều tra sơ vấn, “nếu nghi can yêu cầu được một hay nhiều luật sư dự kiến, cơ quan điều tra phải báo thị bằng mọi cách, kể cả bằng điện thoại cho luật sư biết trước hai giờ để đến dự kiến…” (Điều 40 Bộ Hình sự tố tụng 1972 ban hành theo Sắc luật số 027-TT/SLu ngày 20 tháng 12 năm 1972 của chính quyền Sài Gòn). Cuộc chấp cung sẽ thi hành trước sự hiện diện của luật sư, trừ trường hợp nghi can từ chối có luật sư; sự từ chối này được ghi vào biên bản hỏi cung. Tại Tòa Sơ thẩm tiểu hình, giám định viên có thể hỏi bị can hoặc các bên đương tụng đều có sự hiện diện của dự thẩm và luật sư, trừ trường hợp đặc biệt. Tại Tòa Thượng thẩm, cuộc tranh luận giữa chưởng lý và luật sư của các đương sự được diễn tiến. Sau khi cuộc tranh luận chấm dứt, Phòng Luận tội sẽ nghị án, ngoài sự hiện diện của chưởng lý, các đương sự, luật sư và lục sự (Điều 203, 204 Bộ Luật Hình sự tố tụng 1972)…
Thời kỳ sau khi thống nhất đất nước:
Năm 1975, chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, đất nước thống nhất, nghề luật sư Việt Nam, vì nhiều lý do nên chưa tổ chức lại nhưng đến ngày 18 tháng 12 năm 1980, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua; quyền tự do dân chủ của công dân được khẳng định trong Hiến pháp, trong đó có điều 133 ghi nhận: “Tòa án nhân dân xét xử công khai, trừ trường hợp do luật định. Quyền bào chữa được bảo đảm. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị can, bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý”.
Vì vậy, trong khi chưa có Pháp lệnh về luật sư, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, được sự đồng ý của Bộ Tư Pháp, ngày 30 tháng 4 năm 1984 đã ra Quyết định về tổ chức thành lập Đoàn luật sư Hà Nội. Ngày 18 tháng 12 năm 1987, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Tổ chức Luật sư gồm 6 chương, 25 điều, trong đó quy định thành lập các đoàn luật sư ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xác định Đoàn luật sư là tổ chức nghề nghiệp của luật sư; điều kiện gia nhập Đoàn luật sư; các hình thức giúp đỡ pháp lý của luật sư; quyền và nghĩa vụ của luật sư; thù lao của luật sư, quỹ Đoàn luật sư…Pháp lệnh này là một bước ngoặt quan trọng trong việc tổ chức luật sư phù hợp giai đoạn phát triển kinh tế nhiều thành phần, đổi mới đất nước.
Hơn một năm sau, ngày 21 tháng 2 năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 15/HĐBT ban hành Quy chế Đoàn luật sư. Bản Quy chế Đoàn luật sư gồm 6 chương, 46 điều, trong đó, điều 1 ghi rõ: “Đoàn Luật sư được thành lập để giúp công dân và các tổ chức về mặt pháp lý theo quy định của Hiến pháp (…). Đoàn Luật sư có nhiệm vụ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và các tổ chức, bảo vệ pháp chế và chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Nổi bật trong bản Quy chế này là xác định mối quan hệ giữa Đoàn Luật sư với Bộ Tư pháp và các cơ quan nhà nước, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội khác (Chương VI).
Ngày 15 tháng 4 năm 1992, Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền bào chữa của luật sư được khẳng định. Điều 132: “…Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Ngày 25 tháng 7 năm 2001, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 37/2001/PL-UBTVQH10. Nội dung Pháp lệnh nổi bật một số điểm quan trọng, trong đó có điều 8, điểm d quy định: không phải là cán bộ, công chức theo quy định pháp luật về cán bộ công chức.
Như vậy, cán bộ công chức không được gia nhập các đoàn luật sư, khác với Pháp lệnh năm 1987: chỉ có những người đang công tác tại các cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp chế không được gia nhập Đoàn luật sư, trừ những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về pháp lý tại các viện nghiên cứu và các trường thuộc các cơ quan đó.
Điểm nổi bật khác: luật sư là người có trình độ đại học Luật và tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam hoặc nước ngoài được pháp luật Việt Nam công nhận; xác định Đoàn luật sư là tổ chức nghề nghiệp của các luật sư, còn tổ chức hành nghề luật sư là Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh; trong phạm vi toàn quốc sẽ có một tổ chức luật sư do Chính phủ quy định, kết hợp chặt chẽ việc quản lý của nhà nước với việc tư quản của tổ chức luật sư.
Ngày 12 tháng 12 năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Luật sư, gồm 8 chương, 43 điều, nêu rõ về điều kiện hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, thù lao luật sư, Đoàn luật sư, quản lý hành ghề luật sư, xử lý vi phạm hành nghề luật sư và việc chuyển tiếp đối với luật sư, Đoàn luật sư (Điều 1).
Ngày 29 tháng 6 năm 2006, Quốc hội ban hành Luật luật sư gồm 9 chương, 94 điều quy định về nguyên tắc, điều kiện, pham vi, hình thức hành nghề, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, quản lý hành nghề luật sư, hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam…Luật luật sư được mở rộng hơn, đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử phát triển nghề luật sư. Luật đã thống nhất điều chỉnh thị trường dịch vụ pháp lý, đã thừa nhận nghề luật sư là một nghề luật mang tính chất dịch vụ trong và ngoài tòa án; nó gắn liền với số phận con người, có tính nhân bản sâu sắc và có tính quốc tế. Ngay cả phạm vi tham gia đoàn luật sư cũng được đổi mới, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho luật sư khẳng định lại mình là mắt xích quan trọng trong hệ thống thực thi pháp luật và trong hệ thống thương mại đa phương.
Tính đến đầu năm 2010, cả nước đã thành lập 62 đoàn luật sư trên 63 tỉnh (trừ tỉnh Lai Châu), thành phố trực thuộc trung ương với gần 5.800 luật sư và 2.200 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong gần 1.700 tổ chức hành nghề luật sư. Số lượng luật sư đã tăng hơn 250% so với trước khi Pháp lệnh Luật sư có hiệu lực, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 người lao động trong cả nước.
LUẬT SƯ NỔI TIẾNG TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM
Trải qua hơn 100 năm với biết bao thăng trầm, nghề luật sư Việt Nam đã sản sinh ra nhiều thế hệ luật sư không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có nhiều đóng góp cho cách mạng nhằm giải phóng cho dân tộc trước kia và góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân.
1/ Luật sư Phan Văn Trường – Luật sư tiên phong.
Phan Văn Trường (1876 – 1933) là một luật sư, một nhà báo yêu nước Việt Nam. Quê ông ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp và trở thành luật sư, ông làm phiên dịch ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Sau ông sang Pháp theo học ngành luật tại Đại học Sorbonne, Paris rồi trình luận án Tiến sĩ về luật hình để trở thành tiến sĩ luật học đầu tiên của Việt Nam. Ông cũng từng làm giảng viên ở Trường Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương ở Paris. Trong thời gian này, ông đã tích cực hoạt động yêu nước và giao lưu nhiều với những người cùng chí hướng.
Hoạt động chính trị tại Pháp, ông đã cùng với Phan Chu Trinh lập Hội Đồng bào Thân ái do Phan Văn Trường làm Hội trưởng. Đây là một trong những tổ chức đầu tiên của người Việt tại Pháp. Tính chất yêu nước của Hội đã được Hội trưởng Việt Nam Quang phục Hội là hoàng thân Cường Để phái người sang Paris năm 1913 đưa thư cho Phan Chu Trinh để liên kết hoạt động. Sau vụ Việt Nam Quang phục Hội đánh bom tại Hà Nội cũng trong năm 1913, chính quyền Pháp cho rằng Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh có liên hệ với phong trào bạo động này ở Việt Nam nên nhân Thế chiến thứ nhất nổ ra, người Pháp đã bắt giam cả hai ông vào tháng 9 năm 1914 với lý do “âm mưu chính trị chống nước Pháp” và thông đồng với Đức. Do có sự can thiệp của Hội nhân quyền và của nhiều chính khách thuộc Đảng Xã hội (Pháp) nên gần một năm sau, tháng 7 năm 1915, chính quyền Pháp buộc phải thả hai ông. Tuy nhiên đến lúc đó thì Hội đồng bào tương thân tương ái cũng không còn.
Sau Thế chiến thứ nhất, ông học tiếp và đỗ Tiến sĩ luật khoa, mở văn phòng Luật sư tại Paris. Lúc này ông tiếp tục hoạt động trong nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp cùng Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc. Ông là một trong bốn người ký tên bản “Revendications du peuple annamite” (“Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam” hay còn gọi là “Yêu sách của nhân dân Việt Nam”) năm 1919 với bút hiệu Nguyễn Ái Quốc và được coi là “kiến trúc sư” của văn bản này.
Cuối năm 1923, ông về nước. Đầu năm 1924 Phan Văn Trường về đến Sài Gòn. Khi Phan Văn Trường về nước, thực dân Pháp lo ngại rằng Phan sẽ là đầu mối liên lạc và tổ chức giữa những tên phiến loạn An Nam ở Pháp và người Đông Dương không theo Pháp. Mật thám đã báo cáo Toàn quyền Đông Dương để đề phòng.
Những tháng đầu, ông đi thăm bạn bè, trở về Đông Ngạc để thăm họ hàng, làng xóm, đồng thời tìm hiểu và nghiên cứu tình hình đất nước dưới ách thống trị của thực dân và tìm phương hướng hành động. Cuối cùng ông quyết định trở vào Sài Gòn, dùng báo chí làm vũ khí đấu tranh công khai theo tinh thần Đạo luật ngày 29/7/1891 do Quốc hội Pháp thông qua và được áp dụng từ 22/9/1891 ở Nam kỳ.
Tháng 6/1925, ông gặp lại nhà báo yêu nước Nguyễn An Ninh, chủ nhiệm tờ báo tiếng Pháp ở Sài gòn, La Cloche félée (Tiếng chuông rè) . Tờ báo này xuất bản số 1 từ 10/12/1923 nhưng sau 19 số xuất bản, báo phải ngừng lại do thiếu tiền. Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường bàn nhau gây dựng lại tờ báo này do Phan Văn Trường chủ nhiệm.
Cùng tháng này, Phan Chu Trinh cũng về đến Sài gòn và ông được hàng ngàn người ra đón, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên. Ông gặp lại bạn học ngày xưa là Huỳnh Thúc Kháng, rồi Thủ khoa Lê Văn Huân. Hai ông Phan lại gặp nhau sau bao năm hoạt động ở Pháp mà lòng bồi hồi xúc động.
Sau thời gian ngắn chuẩn bị, ngày 26/11/1925, số 23 báo Tiếng chuông rè lại ra mắt bạn đọc. Đúng lúc đó, Cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp kết án chung thân, giam tại ngục Hoả Lò, Hà Nội. Thực dân Pháp đưa một Đảng viên Đảng xã hội – tên Varenne sang làm Toàn quyền Đông Dương.
Trong số báo 23 ngày 7/12/1925, ông có bài phê phán gay gắt diễn văn đầu tiên của Varenne, ông cho đó là những thành kiến, trò ngụy biện xuyên tạc của viên toàn quyền. Tiếp đó, số báo 27 ngày 21/12/1925, ông có bài “Màn hài kịch của xứ thuộc địa, một thứ Hiến pháp kỳ quặc”. Số báo 32, ông có bài: “Lập luận sai lầm và sự xuyên tạc về tình trạng an cư lạc nghiệp hiện tại”. Một điều đặc biệt là từ số 53 ngày 29/3/1926 đến số 60 ngày 26/4/1926, báo liên tục đăng “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” của Mác và Ănghen. Đây là lần đầu tiên một tờ báo xứ thuộc địa dám in “Tuyên ngôn Đảng cộng sản”. Báo in các tài liệu Tuyên ngôn này thành các tờ rời như phụ chương. Qua đây chúng ta thấy bản lĩnh và lập trường cộng sản của Phan Luật sư và có thể kết luận rằng Phan Luật sư là một trong những người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê Nin vào Việt Nam .
Đúng lúc cuộc đấu tranh đang tiến triển thì người bạn thân thiết của Phan Luật sư qua đời. Đó là Phan Chu Trinh, ông mất ngày 24/3/1926, thọ 54 tuổi. Một Ban tang lễ được thành lập gồm 15 người đều là các chí sĩ yêu nước do Phan Văn Trường đứng đầu đã nhân dịp này tổ chức phong trào truy điệu nhà yêu nước rộng khắp từ nông thôn đến thành thị ở cả 3 kỳ Bắc, Trung, Nam. Hàng vạn người đã đến viếng và tiễn đưa Phan Tây Hồ. Bọn cầm quyền Pháp ở Đông Dương rất tức tối mà không làm gì được. Số tiền phúng viếng lên tới 16.000 đồng và được Ban tang lễ cùng gia đình quyết định dùng vào việc xây dựng nhà thờ và lăng mộ của Phan Chu Trinh để mọi người đến thăm viếng.
Nén đau thương thành hành động, Phan Luật sư lại tiếp tục viết nhiều báo hơn với nhiều hình thức phong phú như luận văn chính trị, tiểu thuyết, danh ngôn …nhằm tuyên truyền tinh thần yêu nước chống đế quốc. Do vậy, tờ Tiếng chuông rè đã bị đình bản vào ngày 3/5/1926. Tuy vậy 3 ngày sau, Phan Văn Trường lại cho ra mắt tờ L’Annam (Nước Nam ) cũng xuất bản bằng tiếng Pháp. Thực ra đây là sự tiếp nối tờ Tiếng chuông rè vì Phan Luật sư ghi là năm thứ ba. Trên đầu tờ L’Annam số 23 ngày 6/5/1926, Phan có ghi câu bằng chữ Hán “ Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Báo này tiếp tục vạch mặt tên Varenne và những tên thực dân lộng hành ở Đông Dương.
Phan Văn Trường rất kính trọng Phan Bội Châu và trên tờ Tiếng chuông rè, Phan Bội Châu được miêu tả như một người anh hùng, nhà yêu nước vĩ đại, là hiện thân của tinh thần dân tộc Việt Nam. Khi Phan Bội Châu bị giam lỏng ở Huế thì Phan Văn Trường đã vận động quyên góp đồng bào cả nước để xây dựng một ngôi nhà riêng và đảm bảo đời sống vật chất cho nhà cách mạng Phan Sào Nam. Ông coi đó là việc trả “một món nợ thiêng liêng đối với nhà yêu nước”. Với uy tín của mình, Phan Văn Trường đã quyên góp và trực tiếp đứng ra nhận tiền đóng góp của nhân dân. Số tiền quyên góp được khoảng 2000 đồng Đông Dương, đủ mua được một mảnh đất và dựng nhà cho Phan Bội Châu tại Bến Ngự và tên Ông Già Bến Ngự phát sinh từ đó. Phan Văn Trường cũng dự định mời Phan Bội Châu vào Nam để được tiếp xúc với bậc anh hùng nhưng không thực hiện được vì thực dân Pháp không cho phép Phan Bội Châu tự do đi lại.
Do vậy, năm 1927 Phan Văn Trường trực tiếp ra Huế để gặp Phan Bội Châu cho thoả lòng mong ước. Hai ông gặp nhau thật là tri âm tri ngộ. Phan Bội Châu khi bị giam lỏng ở Huế, rồi lại được chính Phan Văn Trường đứng ra quyên góp giúp đỡ nên rất mến mộ Luật sư Phan. Ông thường xuyên theo dõi hoạt động của Phan Văn Trường, đặc biệt là các tờ Tiếng chuông rè và L’Annam. Cụ bảo rằng ở nước ta chỉ có tờ báo này dám công nhiên chống đối chế độ thực dân Pháp, đả kích chính sách vô nhân đạo của bọn thống trị.
Nhân dịp bên Trung Quốc nổ ra cuộc phản biến tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch thẳng tay khủng bố và tàn sát người theo cách mạng thì ở Việt Nam, thực dân Pháp cũng muốn tiêu diệt các nhóm cách mạng mà từ lâu chúng coi như gai đâm vào mắt. Trưa ngày 21/7/1927, thực dân Pháp đã ập vào nhà riêng của Phan Văn Trường để lục soát. Chiều hôm sau, 14h30, chúng lại lục soát Toà soạn tờ L’Annam, lấy đi một số giấy tờ tài liệu, Phan Văn Trường bị bắt và tờ báo bị đình bản.
Sau tám tháng giam giữ, ngày 27/3/1928, Phan Văn Trường bị Toà áo đỏ Sài Gòn kết án hai năm tù giam vì tội “Xui kích làm phản, kêu dân Việt Nam nổi loạn để đuổi người Pháp ra khỏi xứ”. Phan Luật sư đã chống án sang Toà án Pháp. Chờ hơn một năm rưỡi, chính Toà Thượng thẩm nơi ông hành nghề luật sư đưa ông ra xét xử. Ngày 18/8/1928 cảnh sát bắt Phan Văn Trường tại nhà số 1 Blainville quận 5 Paris. Ông bị giam tại xà lim số 13 khu số 8 Nhà lao La Santé nơi mà cách đó 15 năm Phan Chu Trinh đă từng bị tù giam một năm. Thời gian đầu ông bị giam với thường phạm, nhưng ông phản đối và ngày 31/8/1929 ông được chuyển sang giam tại khu tù chính trị.
Phan Bội Châu vẫn theo dõi sát hoạt động của Phan Luật sư và Ông già Bến Ngự hết sức lo lắng khi Phan Luật sư phải ngồi tù ở Pháp. Hết hạn tù, ông trở về Việt nam và gặp lại Nguyễn An Ninh ở Sài gòn để bàn việc tiếp tục xuất bản báo như tờ Tiếng chuông rè và tờ L’Annam.
Năm 1933, ông quay ra Hà Nội để thăm gia đình và thị sát tình hình chính trị ở Miền Bắc nhưng ông ngã bệnh và phải ở lại Hà Nội để điều trị. Khi bệnh thuyên giảm, ông lại khẩn trương lên đường vào Nam nhưng mới đến Đà Nẵng, bệnh lại tái phát và ông phải quay ra Hà Nội và ở tại nhà anh trai là Phan Cao Luỹ (cùng với con của ông Luỹ) tại số 25 đường Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo) để điều trị nhưng do bệnh nặng không thể cứu chữa, ông đã qua đời ngày 22/4/1933 tại Hà Nội, khép lại một cuộc đời đấu tranh gian khổ và anh dũng vì dân vì nước. Nghe tin Phan Văn Trường mất, Phan Bội Châu vô cùng đau đớn như mất đi một tri âm tri kỷ.
Hai hôm sau, gia đình đã đưa ông về an táng tại Xóm 8 thôn Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Mộ phần ông được xây bằng gạch nằm khiêm tốn trong một khu vườn nhỏ, bên cạnh cây trứng gà (Đào tiên) xum xuê toả bóng mát, hiện nay do cháu ông là Phan Văn Thăng trông nom và hương khói. Trên mộ có ghi một hàng chữ Hán “Luật sư Tiến sĩ”.
Tết Nhâm Dần 1962, Bác Hồ đã đến thăm và chúc tết nhân dân xã Đông Ngạc vì năm ấy đã đạt nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất. Đúng 6h sáng ngày Mùng một Tết, nhớ lời giao kết xưa kia Bác đã ghé thăm mộ Phan Văn Trường như thăm lại người Thầy, người đồng chí của mình sau 40 năm cách biệt. 7h sáng, Bác về nói chuyện và chúc tết nhân dân tại Đình làng Nhật Tảo .
Thời gian vừa qua, một số trí thức và các sử gia Việt Nam mà đứng đầu là GS Trần Văn Giầu có ý định tổ chức Hội thảo về Phan Văn Trường để xác định sự đóng góp to lớn của Phan Luật sư vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, “trả lại cho Phan những gì của Phan” nhưng vẫn chưa thực hiện được. Tuy vậy, chúng ta có quyền hi vọng là trong tương lai không xa, những đóng góp của Phan Luật sư sẽ được nghiên cứu cụ thể, được thừa nhận và cũng hi vọng rằng trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, nhân vật Phan Văn Trường sẽ được ghi nhận không chỉ là Luật sư đầu tiên của Việt Nam, Tiến sĩ luật học đầu tiên của Việt Nam, nhà báo nổi tiếng mà còn là một trong những nhà cách mạng cộng sản đầu tiên của Việt Nam!
Ghi nhận công lao đóng góp của người con Hà thành cho sự nghiệp cách mạng Việt nam, ngày 18 tháng 1 năm 2002, tại Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân Thành phố Hà nội đã ra Nghị quyết đặt tên ông cho con đường dài 500m, rộng 15m nối đường Xuân Thuỷ với đường Trần Quốc Hoàn thuộc quận Cầu Giấy; nơi đặt trụ sở Trường Đào tạo các chức danh tư pháp (nay là Học viện Tư pháp) – cái nôi đào tạo luật sư đầu tiên của Việt Nam.
2. Luật sư Trần Văn Chương – Một con người chính trực
Trần Văn Chương (1898 – 1986) là một luật sư Việt Nam, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thời kỳ Đế quốc Việt Nam (Chính phủ Trần Trọng Kim), rồi bộ trưởng Bộ Kinh tế của Việt Nam Cộng hòa thời Đệ nhất cộng hòa trước khi được bổ nhiệm là đại sứ tại Mỹ. Ông cũng là anh trai của Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ và là cha đẻ của Đệ nhất phu nhân thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam – Trần Lệ Xuân.
Thân thế và sự nghiệp
Luật sư Trần Văn Chương sinh năm Mậu Tuất (năm 1898) tại Nam Định trong một gia đình danh gia vọng tộc. Ông là con trai của Tổng đốc Nam Định Trần Văn Thông và là cháu gọi Bùi Quang Chiêu là cậu (một trong những phú hộ lừng danh Nam Kỳ thời bấy giờ). Lúc nhỏ Trần Văn Chương học tại Hà Nôi. Sau đó, sang Algérie du học 11 năm, rồi sang Pháp học đại học Luật khoa và đỗ tiến sĩ luật năm 1922. Về nước ông hành nghề luật sư tại Bạc Liêu và có khoảng thời gian từ năm 1925 đến 1935 làm ở tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Năm 1940, Trần Văn Chương ra Hà Nội và mở Văn phòng luật sư và đặt tại số nhà 71 đại lộ Gambetta – nay là phố Trần Hưng Đạo (biển hiệu bằng đồng của văn phòng ghi “Trần Văn Chương – Trạng sư quan”).
Trần Văn Chương xuất hiện trên chính trường tháng 4, năm 1945 khi ông được bổ nhiệm làm Phó tổng trưởng nội các (phó thủ tướng) kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Đế quốc Việt Nam trong chính phủ do giáo sư Trần Trọng Kim làm tổng trưởng, đó là một thời điểm lịch sử của dân tộc Việt Nam cũng như toàn thể nhân loại khi cuộc đại chiến thế giới đang dần đến hồi kết. Còn nhớ, thời điểm đó người Pháp bị Đế quốc Nhật Bản hất cẳng tại Việt Nam nhưng người Nhật cũng không muốn xáo trộn trật tự bản xứ, nhân cơ hội đó giáo sư Trần Trọng Kim đã tập hợp được đội ngũ nhân sỹ, trí thức hàng đầu tham gia vào chính phủ, bước đầu gây dựng nền độc lập cho nước nhà sau gần 100 năm Pháp thuộc. Trong số 15 thành viên nội các thời đó, tự hào thay khi có tới 4 luật sư được ông Trần Trọng Kim trọng dụng, ngoài luật sư Trần Văn Chương còn có luật sư Phan Anh, luật sư Trịnh Đình Thảo và luật sư Vũ Văn Hiền, mà chúng tôi sẽ ghi danh trong các bài viết sau.
Cùng nổi trôi theo vận nước, năm 1954, ông được phái làm đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ dưới thời Đệ nhất Cộng hòa. Tuy nhiên, tới ngày ngày 23 tháng 8 năm 1963 ông từ chức đại sứ để phản đối chính sách mà nhiều người cho là đàn áp phật giáo, ưu đãi đạo Thiên chúa giáo La Mã của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Vợ của luật sư Trần Văn Chương cũng là người phụ nữ khá nổi tiếng thời bấy giờ, bà tên nhũ danh là Thân Thị Nam Trân – con gái thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề. Bà Nam Trân từng là quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Bi kịch của một gia đình trí thức
Trần Văn Chương và bà Thân Thị Nam Trân có ba người con là Trần Lệ Chi, Trần Lệ Xuân và Trần Văn Khiêm. Trong ba người con này của Trần Văn Chương thì đáng chú ý hơn cả là người con gái thứ hai Trần Lệ Xuân, người mà sau này được gọi là Đệ nhất phu nhân thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam và cũng được coi là trái đắng của hai dòng họ Trần, Thân khi có một loạt những phát ngôn và hành động chống lại Phật giáo miền Nam và chính cha mẹ mình.
Sự việc bắt đầu từ việc gia đình Trần Văn Chương đồng ý để Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu kết hôn với nhau. Vào năm 1940, khi ra Hà Nội mở văn phòng luật sư tại số nhà 71 đại lộ Gambetta, gia đình Trần Văn Chương đã đồng ý để Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu (lớn hơn Trần Lệ Xuân 15 tuổi) làm lễ cưới tại nhà thờ lớn do ông Ngô Đình Thục đứng ra chủ lễ, với sự có mặt của Đức cha Chaize và nhiều linh mục Pháp – Việt khác vào năm 1943.
Vợ chồng Trần Văn Chương và Thân Thị Nam Trân không ngờ được rằng 20 năm sau (năm 1963), lúc ông Chương làm đại sứ tại Mỹ và bà Nam Trân làm quan sát viên chính thức của chính quyền Việt Nam cộng hòa tại Liên Hiệp Quốc phải đón nhận những lời trách giận của những người trong họ hàng vốn theo đạo Phật, lẫn bạn hữu trong giới tri thức người Việt ở nước ngoài, về những điều tệ hại do con ruột (Trần Lệ Xuân) và con rể (Ngô Đình Nhu) gây ra trong quá trình chống phá Phật giáo miền Nam, dẫn đến đổ máu và tai tiếng qua biến cố lễ Phật đản năm 1963 tại Huế. Thêm nữa, ông bà rất khổ tâm khi nghe các đài phát thanh quốc tế, Đài BBC, Đài VOA, Đài Úc Đại Lợi, cứ lặp đi lặp lại phát biểu ngỗ ngược của Trần Lệ Xuân trước tòa Đô chánh Sài Gòn trong lễ ra mắt Phụ nữ bán quân sự khóa III ngày 03/08/1963, rằng: “Tôi (Trần Lệ Xuân) sẽ còn đánh sư gấp 10 lần nữa” kèm theo bình luận không mấy hay ho. Vì những phát biểu trên mà Ủy ban Liên phái Phật giáo đã phải gửi văn bản đến Tổng thống Ngô Đình Diệm để phản đối Trần Lệ Xuân và đặc biệt lưu ý Tổng thống về sự lộng quyền ngày càng lộ rõ của bà.
Còn về con rể Ngô Đình Nhu, ông bà Trần Văn Chương thất vọng khi nghe các cơ quan thông tấn đưa tin Nhu công khai miệt thị các nhà sư là “cuồng tín” và “thiếu giáo dục”, vu khống đồng bào theo đạo Phật là Cộng sản “phá hoại an ninh quốc gia’. Nhất là sau đêm “nước lũ”, lực lượng đặc biệt và công an mật vụ do Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân tung ra đã bắt giam hàng nghìn tăng ni và đồng bào ủng hộ Phật giáo, đông nhất là Sài Gòn với 728 người, Huế 595 người … Những ngày tiếp đó, lùng bắt thêm 2.500 người nữa. Một số trí thức, gồm các giáo sư, khoa trưởng các trường đại học ở Sài Gòn hưởng ứng bãi khóa. Ở Mỹ, ông bà Trần Văn Chương quyết định bất hợp tác với chính quyền Sài Gòn, từ chức và điện báo cho Diệm – Nhu biết vào đêm ngày 23/8/1963.
Nhận tin, cả Ngô Đình Diệm lẫn cố vấn Ngô Đình Nhu đều bất ngờ, bối rối, chưa biết xử trí ra sao. Phần vì thái độ của một đại sứ ở Mỹ (như ông Trần Văn Chương) và một quan sát viên chính thức tại Liên Hợp Quốc (bà Nam Trân) hợp lại sẽ có sức “nhạy cảm” đối với thời tiết chính trị, là “phong vũ biểu” báo trước phần nào những thuận nghịch trong bang giao đặc biệt giữa Sài Gòn với Washington thời ấy. Phần vì ông Trần Văn Chương là bố vợ của Ngô Đình Nhu, cha ruột của Trần Lệ Xuân, sui gia với nhà Ngô, là “người trong nhà” mà nay công khai phản đối Diệm – Nhu như thế hết sức bất lợi. Đang lúc hai ông Diệm – Nhu chưa biết tìm ra cách ứng xử hữu hiệu thì Trần Lệ Xuân đề nghị giải pháp xuyên tạc sự thật bằng cách “sửa sai” hai chữ “từ chức’ thành “bãi chức”, để đối phó với cha mình.
Giải pháp ấy trong lúc cấp thời của Trần Lệ Xuân đã được Ngô Đình Nhu và Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm đồng thuận. Liền đó, Trần Lệ Xuân thảo bản tin đưa cho Việt tấn xã với nội dung: “Ngày 23.8.1963, ông bà Trần Văn Chương có đánh điện xin từ chức nhưng trước đó hai tiếng đồng hồ, Bộ Ngoại giao (Sài Gòn) đã gửi điện tín cho ông Chương biết chính phủ Việt Nam Cộng hòa quyết định cách chức ông kể từ sáng ngày 23.8.1963 rồi – tức là trước khi ông bà Trần Văn Chương xin từ chức, như đài VOA đã loan tin hồi 20 giờ 35 ngày hôm đó. Trong tình trạng thiết quân luật, mọi điện tín đều bị quân đội kiểm soát, bởi vậy bức điện của Bộ Ngoại giao mới tới Hoa Kỳ sau bức điện của ông Chương gửi về Sài Gòn”. Việc “đánh tráo” để gỡ thể diện nêu trên đã có một số tài liệu nhắc đến, trong đó cuốn Trần Lệ Xuân – giấc mộng chính trường của Lý Nhân – Phan Thứ Lang (nhà văn Phan Kim Thịnh) ghi rõ: “Ai cũng biết Lệ Xuân bênh vực họ nhà chồng, nên bà bàn với Nhu cho đăng một bản tin của Việt Tấn xã nói về vụ luật sư Trần Văn Chương từ chức “cải chính” thành Chương bị bãi chức (…). Sở dĩ Lệ Xuân tức giận cha mình vì ông tuyên bố với báo chí bên Mỹ là con gái ông thiếu văn hóa, vô lễ với tôn giáo, với các nhà tu hành. Giận cha mẹ, Lệ Xuân phát biểu lung tung thông qua Việt Tấn xã: “Trần Văn Chương – Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, bị chính phủ lột chức, một kẻ tự hào rằng theo Khổng giáo, đang tiếp tục tuyên truyền chống chế độ và phản bội con gái yêu tại Hoa Kỳ”. Hoặc: “Đạo Khổng lấy điều Trung làm trọng, và người theo đạo Khổng nếu không làm tròn trách nhiệm chúa mình giao phó thường tự xử bằng cách tự vẫn”.
Ngôn ngữ nêu trên nếu không được Trần Lệ Xuân và ông Ngô Đình Nhu chỉ đạo thì đố ai mà dám viết công khai trên báo chí như thế. Song, chừng đó cũng chưa đủ hả dạ Lệ Xuân còn thông qua Việt Tấn xã vạch tội cha mình: “Trần Văn Chương – người có một tòa nhà tại Hoa Thịnh Đốn và một căn nhà tại Ba Lê, đã phản bội và bị cách chức đại sứ”.
Trước sự ngỗ ngược của con gái, ông bà Trần Văn Chương sau ngày từ chức vẫn tiếp tục lên án công kích Diệm – Nhu, nghiêm khắc phê phán Trần Lệ Xuân vô lễ, mất tư cách và mất nhân tính. Về phía Bộ Ngoại giao Mỹ, không lâu sau đêm các chùa trên toàn miền Nam bị tấn công, đã phổ biến thông báo đặc biệt phán xét: “Rõ ràng chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã có những biện pháp đàn áp khắt khe đối với các lãnh tụ Phật giáo Việt Nam.